NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA PHẨM PHỤC PHỤNG VỤ



Thời ban đầu, Giáo Hội chưa có phẩm phục riêng cho phụng vụ, thời bấy giờ các tông đồ rồi tiếp theo là giám mục, linh mục và phó tế đều mang trang phục thường ngày khi cử hành thánh lễ. Đặc biệt trong thời kỳ bị bách hại, các giám mục lẫn giáo dân đều phải lẩn trốn và dâng lễ lén lút thì càng không ai để ý tới vấn đề trang phục phụng vụ. Nói chung từ khởi đầu cho đến đầu thế kỷ thứ 4 không có ghi nhận về trang phục phụng vụ trong Giáo Hội. Từ giữa thế kỷ thứ 4 là thời kỳ Giáo hội hết bị bách hại và trở thành quốc giáo, các giám mục và linh mục mang trang phục của quan chức triều đình ngay cả khi dâng lễ. Như vậy vào thời điểm này vẫn chưa có sự phân biệt giữa trang phục thông thường và trang phục phụng vụ.Cùng với thời gian, trang phục của dân chúng có sự thay đổi tùy theo thời gian cũng như ảnh hưởng nghệ thuật thời trang của xã hội theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, trang phục của giám mục và linh mục thì gần như vẫn được giữ nguyên hình thức cũ, tức là trang phục của quan chức triều đình Roma trước đây. Từ lúc đó sự khác biệt giữa trang phục của dân chúng và của hàng giáo sĩ trở nên rõ nét hơn. Mặc dù trang phục phụng vụ của giám mục và linh mục cũng ít nhiều có sự thay đổi tại một số nơi và một số thời điểm, nhưng nhìn chung nó vẫn được giữ theo kiểu cũ mãi cho tới hôm nay chứ không thay đổi hoàn toàn như thời trang của dân thường.
Phẩm phục của linh mục bao gồm:
1. Áo chùng thâm màu đen, tượng trưng cho tinh thần từ bỏ thế gian. Trong văn hóa tây phương, màu đen nói lên sự chết và sự quên lãng.
2. Khăn vai: Có ý nghĩa như mũ chiến đội đầu.
3. Áo Alba: Alba là áo dài trắng mà linh mục mặc bên trong trước khi mang áo lễ. Áo Alba màu trắng, tượng trưng cho sự trong sạch của linh hồn cũng có nghĩa là sự xứng đáng của vị tư tế khi dâng lễ. Ngoài ra, màu trắng của áo Alba cũng mang ý nghĩa ánh sáng sự sống đời đời, sự sống thần linh.
4. Dây lưng/đai nịt lưng (cingulum) : cingulum nhắc nhớ lại hình ảnh dân Israel khi ăn lễ vượt qua. Nó nói lên sự sẵn sàng ra đi theo lệnh của Chúa, đồng thời là sự phó thác tin tưởng Chúa sẽ giải phóng khỏi nguy hiểm.
5. Dây các phép (stola): Dây các phép là dấu chỉ của tư tế cử hành nghi thức nhân danh Chúa Kitô. Nó cũng được xem như biểu tượng của "ách" Chúa Kitô: "Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học cùng tôi...". Trong nghi thức cũ, linh mục sẽ đeo dây stola chéo trước ngực, nhắc nhớ tới thánh giá. Trong nghi thức mới thì dây stola được để buông thẳng xuống.
6. Áo lễ (casula): Áo lễ tượng trưng cho sự sống tràn đầy, vì nó ôm trọn người linh mục. Nó cũng là dấu chỉ của chức vụ tư tế cử hành nhân danh Chúa. Áo lễ che phủ người linh mục, nghĩa là khi cử hành thánh lễ, con người cá nhân của linh mục "biến mất" và ngài đang thực hiện trong vai trò của Chúa Kitô.
M. Hạnh Tử

Nhận xét